Những kinh nghiệm giúp bạn tìm việc online hiệu quả
Tiêu đề của email xin việc càng ấn tượng bao nhiêu thì bạn càng được chú ý bấy nhiêu. Giữa hàng trăm email gửi đến trong 1 chiến dịch tuyển dụng thì tiêu đề của bạn bắt buộc nổi bật.
Đã qua rồi cái thời mỗi lần xin việc lại photo giấy tờ, công chứng, mất rất nhiều thời gian và công sức nhưng hiệu quả lại rất thấp. Với sự phát triển của Internet và các trang tuyển dụng hoặc cung ứng lao động trực tuyến, e-Resume đang là khái niệm được nhiều người dùng và đã và đang phát huy được tính hiệu quả của nó.
Nhưng khi việc nộp đơn vào 1 công ty trở nên quá dễ dàng như hiện nay, thì cũng đồng nghĩa bạn sẽ phải “chống chọi” với một số lượng lớn các hồ sơ cạnh tranh cùng bạn. Giả định bạn đã rất phù hợp với vị trí về năng lực, kinh nghiệm… vậy làm thế nào để chúng ta có thể hoàn thiện cách tìm việc online, tôi xin chia sẻ những điều tôi thích và không thích khi đọc e-Resume dưới góc người đi tuyển dụng.
1. Tôi không thích nhận những email hoặc hồ sơ xin việc ghi nơi nhận “chung chung”.
Trong tất cả các thông báo tuyển dụng, hầu hết đều sẽ có tên người nhận. Trong trường hợp xấu nhất không có người nhận thì cũng có tên công ty. Ấy vậy mà vẫn rất nhiều hồ sơ gửi về vẫn để “Kính gửi: Anh/chị”, điều này khiến người đọc và lọc CV của bạn rất khó chịu và chứng tỏ bạn không đầu tư một chút gì cho nơi mà bạn muốn gắn bó trong sự nghiệp.
2. Tôi thích những hồ sơ có thiết kế ấn tượng
Những mẫu hồ sơ “chung chung” được download từ trên mạng thật sự không gây được ấn tượng. Đặc biệt đối với những vị trí cần sự thể hiện sự nổi bật như tiếp thị, bán hàng, tôi rất thích và đánh giá cao những hồ sơ có thiết kế riêng.
Bạn không cần phải chuyên gia thiết kế mới có thể làm được, chỉ đơn giản tìm cho mình những mẫu hồ sơ độc đáo, và điều chỉnh theo chính sở thích của mình. Đừng ngại thể hiện, vì người tuyển dụng đang cần sự thể hiện của bạn. Bạn không thể hiện được với nhà tuyển dụng thì làm sao có thể gây ấn tượng với khách hàng?
3. Tôi thích những bằng chứng thực tế
Thay vì viết “Tôi có kinh nghiệm…” thì hãy thay bằng “Những việc tôi đã làm bao gồm…” và có những bằng chứng thuyết phục về những điều chúng ta đang nói. Số liệu, bảng biểu, demo các dự án đã làm… đều khiến tôi có ấn tượng mạnh.
Ví dụ, khi tôi tuyển vị trí Marketing cho hệ thống www.QuanTri.vn, tôi đặc biệt ấn tượng với những hồ sơ nêu được năng lực phát triển lượng truy cập của một Website, đã từng phát triển 1 fanpage từ bao nhiêu người đến bao nhiêu người… và các yếu tố có thể định lượng liên quan đến những công việc cần tuyển nhất.
4. Tôi thích những tiêu đề email ấn tượng
Tiêu đề của email xin việc càng ấn tượng bao nhiêu thì bạn càng được chú ý bấy nhiêu. Giữa hàng trăm email gửi đến trong 1 chiến dịch tuyển dụng thì tiêu đề của bạn bắt buộc nổi bật. Xin mách nhỏ với các bạn, chúng tôi thường chỉ mở những email đọc tiêu đề thú vị để ưu tiên tuyển.
5. Tôi đặc biệt có ác cảm với những email gửi nhầm tên công ty.
Công ty X đang tuyển dụng và lại nhận được 1 CV, mọi thứ đề rất đẹp, rất chuyên nghiệp, tiêu đề email ấn tượng nhưng lại là hồ sơ dành cho công ty khác. Và tất nhiên, chúng tôi đánh giá ngay người gửi rất thiếu tôn trọng công ty đang tuyển dụng.
Những chia sẻ trên là những trải nghiệm và cảm giác mà tôi có khi tuyển dụng một vị trí nào đó. Hy vọng nó hỗ trợ một phần nào kinh nghiệm cho những ứng viên đang muốn phát triển nghề nghiệp và tìm cho mình một công việc phù hợp.
Chúc các anh chị và các bạn thành công.
Leave a Reply