Những bí quyết viết thư cảm ơn sau phỏng vấn ấn tượng
Có thể những ứng viên khác cũng viết thư cảm ơn, vậy làm thế nào để lá thư cảm ơn của bạn tạo được ấn tượng tốt nhất? Tham khảo và áp dụng linh hoạt 9 bí quyết sau, bạn sẽ có lá thư cảm ơn đầy ấn tượng.
Sau những giờ phút căng thẳng, bạn đã vượt qua cuộc phỏng vấn, dù bạn đã nắm chắc phần thắng hoặc vẫn chưa tự tin sẽ chiến thắng các đối thủ khác. Hãy tạo thêm cơ hội cho mình bằng cách viết một lá thư cảm ơn ấn tượng gửi đến nhà tuyển dụng.
Tại sao phải viết thư cảm ơn?
Bạn hãy tưởng tượng xem khi nhà tuyển dụng đang đắn đo không biết nên chọn ứng viên nào trong số các ứng viên đã lọt được vào vòng cuối. Đúng lúc ấy, cô văn thư mang cho họ một lá thư cảm ơn của bạn. Đọc lá thư xong, nhà tuyển dụng nhớ đến bạn và trước sự nhiệt tình, chu đáo trong cách ứng xử của bạn, họ nhấc điện thoại gọi cho bạn thông báo “Chúc mừng bạn. Chúng tôi vui mừng hợp tác với bạn”.
Một cuộc khảo sát đã đưa ra kết luận 80% nhà tuyển dụng có ấn tượng tốt với ứng viên nào gửi thư cảm ơn họ ngay sau buổi phỏng vấn. Lá thư cảm ơn của bạn không chỉ giúp bạn tăng thêm cơ hội mà còn hỗ trợ nhà tuyển dụng có thêm căn cứ để ra quyết định lựa chọn ứng viên sáng giá nhất.
Làm thế nào để có thư cảm ơn ấn tượng?
Có thể những ứng viên khác cũng viết thư cảm ơn, vậy làm thế nào để lá thư cảm ơn của bạn tạo được ấn tượng tốt nhất? Tham khảo và áp dụng linh hoạt 9 bí quyết sau, bạn sẽ có lá thư cảm ơn đầy ấn tượng.
Hiểu người đọc: Trước tiên bạn phải xác định rõ người sẽ đọc thư của bạn là người như thế nào, có khả năng quyết định hay tác động lớn trong việc ra quyết định hay không, một chút về trình độ học vấn, sở thích thì càng tốt.
Thể hiện phong cách của bạn: Không nên bắt chước các mẫu thư cảm ơn vì nhà tuyển dụng rất tinh tế và dễ dàng phát hiện ra. Bạn nên thể hiện bằng ngôn ngữ của mình, phong cách riêng của bạn.
Xác định cấu trúc thư: Bạn nên gạch ra một số đầu dòng các ý cơ bản muốn trình bày trong bức thư. Bức thư cảm ơn với đầy đủ 3 yếu tố: bạn đánh giá cao cơ hội này, khẳng định lại đam mê của bạn với công việc đang dự tuyển và lặp lại một lần nữa về khả năng đóng góp của bạn cho sự phát triển của công ty.
Cấu trúc bức thư cần chia thành các phần rõ ràng. Không nên dài quá 3 phần.
Phần 1: Trình bày lời cảm ơn đến nhà tuyển dụng vì đã cho bạn cơ hội được hiểu hơn về công ty cũng như qua những câu hỏi phỏng vấn bạn hiểu hơn về mình và công việc.
Phần 2: Bạn nhấn mạnh những điểm mạnh của bạn, thái độ nhiệt tình, mong muốn chân thành. Gợi nhắc nhà tuyển dụng một điều rằng, cuộc phỏng vấn thực sự hữu ích cho bạn, từ đó bạn mong được có một hướng hợp tác tích cực. Bạn nên giải thích lý do công việc mới thực sự thích hợp với bạn, bạn hoàn toàn có thể đảm đương tốt công việc. Bạn cũng có thể trình bày những ấn tượng về công ty, mong muốn được học hỏi, có thêm kinh nghiệm trong môi trường làm việc chuyên nghiệp,…
Phần 3: Phần này phải thể hiện được sự cam kết và quyết tâm của bạn khi được đảm nhận công việc đó. Bạn phải thực sự coi như mình đã được trúng tuyển. Nhớ gửi đến nhà tuyển dụng lời chúc tốt đẹp nhất. Và đừng quên cung cấp thông tin, địa chỉ, số điện thoại để nhà tuyển dụng có thể gọi ngay cho bạn.
Gây ấn tượng: Để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng, hãy đưa một số điểm nổi bật trong cuộc phỏng vấn giữa bạn và nhà tuyển dụng vào trong bức thư. Nếu nhà tuyển dụng đề cập nhiều lần rằng người sử dụng thành thạo Microsoft Excel sẽ có nhiều cơ hội được tuyển, bạn nên sử dụng lá thư cảm ơn như một cơ hội để nhắc lại với ông/bà ta rằng bạn đã có chứng chỉ liên quan đến chương trình này.
Văn phong: Văn là người vì qua câu văn có thể cho biết bạn là người như thế nào. Lưu ý là ngôn từ phải trong sáng, văn phong khúc chiết và có sự trang trọng cần thiết. Nên dùng câu đơn, phân đoạn và mỗi đoạn dài không quá 150 từ. Nên dùng những câu khẳng định. Thư phải khúc chiết, không được tâng bốc nhà tuyển dụng một cách quá đáng, không cố tình kể lại nội dung của cuộc phỏng vấn trước đó một cách khô khan.
Không sai sót: Cố gắng hết sức không có một sai sót nào vì nếu không thư cảm ơn lại phản tác dụng. Tối kỵ viết sai tên, chức vụ, giới tính (lưu ý Miss, Mr, Ms rất dễ viết nhầm) của người nhận thư hoặc sai tên công ty ví dụ công ty cổ phần lại viết là TNHH,.. Và tránh lỗi chính tả, ngữ pháp. Tốt nhất là bạn nên nhờ một người khác đọc lại trước khi gửi đi.
Gửi thư sớm: Theo lời khuyên của những người có kinh nghiệm, bạn nên gửi thư sớm nhất có thể, tốt nhất là trong vòng 48 giờ kể từ sau cuộc phỏng vấn kết thúc. Bạn sẽ ghi được điểm cao nếu gửi thư cảm ơn tới nhà tuyển dụng chỉ trong vòng 24 giờ. Hãy tưởng tượng nếu bạn viết một lá thư rất ấn tượng nhưng khi nhà tuyển dụng nhận được thì họ đã ra quyết định rồi. Thế nên, một lá thư được gửi đúng thời điểm thể hiện mong muốn làm việc, sự năng động và chuyên nghiệp.
Leave a Reply